Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Bảo vệ mắt và những điều cần biết


Mắt người được cấu tạo hoàn chỉnh và có khả năng tự bảo vệ. Tuy nhiên, cuộc sống hằng ngày tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với đôi mắt, khiến khả năng tự điều chỉnh của chúng rơi vào tình trạng quá tải.
Mỗi bộ phận của mắt đều có chức năng hoạt động và bảo vệ mắt. Khi khói bụi bay vào mắt, ngay lập tức, mắt sẽ phản ứng tiết ra nước mắt nhiều hơn mức bình thường nhằm rửa trôi hóa chất và ngoại vật. Nhưng nếu chúng ta làm việc trong một môi trường ô nhiễm, thường xuyên thải nhiều khói bụi thì phản ứng tự nhiên của mắt sẽ không đủ khả năng đáp ứng. Khi đó bắt buộc con người phải đeo kính bảo hộ và sử dụng thuốc nhỏ mắt để rửa trôi bụi bẩn, giữ ẩm cho mắt, đồng thời cải thiện môi trường sống sạch sẽ hơn.
H1_400.jpg
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phí Duy Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện mắt TP HCM, việc chăm sóc mắt phải được thực hiện toàn diện, từ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đến điều trị triệt để những bệnh mắc phải. Quan trọng là con người cần lưu ý và tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Chế độ dinh dưỡng: đầy đủ chất và hợp lý theo lứa tuổi, bảo đảm có cá, các loại rau xanh, hoa quả có màu đỏ giàu betacarotene, tiền chất của sinh tố A rất cần cho mắt. Ngoài ra, Cao Vaccinium Myrtillus được chiết xuất từ quả Việt Quất đen mọc hoang dại ở vùng rừng núi châu Âu và Bắc Mỹ cũng được chứng minh là tốt cho mắt. Một số nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng cho thấy, cao Vaccinium Myrtillus (cao việt quất) khi kết hợp với vitamin E có tác dụng ngăn chặn hình thành đục thủy tinh thể, có hiệu quả ngăn ngừa cao trong bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, giúp ổn định collagen, giảm nhức mỏi mắt, cải thiện thị lực.
- Chế độ sinh hoạt: tích cực nhưng phải điều độ để duy trì được sự tinh anh của đôi mắt. Bạn cần cho mắt nghỉ ngơi 10-15 phút sau mỗi 2 tiếng làm việc hoặc giải trí trước màn hình. Nếu công việc diễn ra thường xuyên thì bạn nên nhỏ nước mắt nhân tạo để ngừa khô mắt.
- Đối với trẻ bị tật khúc xạ phải đeo kính: phải tuân thủ theo lời khuyên của thầy thuốc. Trẻ bị nhược thị nên đeo kính thường xuyên và tái khám định kỳ.
- Khi bị bụi, hóa chất bắn vào mắt: không nên dụi mắt mà nhanh chóng sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước sạch rửa mắt, sau đó tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra lại. Bạn phải sử dụng kính bảo hộ cho mắt khi lao động và thực hành thí nghiệm. Ngoài ra, đeo kính khi đi đường trong điều kiện môi trường hiện nay là cần thiết.
- Không tự ý mua thuốc tự điều trị mắt: khi mắt có dấu hiệu khác thường, bạn nên đi khám sớm. Mắt bình thường cũng nên được khám kiểm tra định kỳ ít nhất một lần mỗi năm.
- Cẩn trọng với việc chăm sóc thẩm mỹ cho đôi mắt: nên xin tư vấn bác sĩ chuyên khoa mắt hoặc chọn lựa những cơ sở thẩm mỹ tin cậy khi có nhu cầu thực sự.
Ngọc Bích
Theo Vnexpress.net

Giảm tật khúc xạ ở học sinh: Cần sự chung tay của cả xã hội


Các khảo sát về tật khúc xạ trong học sinh ở nước ta trong thời gian gần đây cho các con số đáng giật mình.

Những vùng có tỷ lệ tật khúc xạ cao trên thế giới (nguồn: Tổ chức Y tế thế giới).

Tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ngày càng cao Các khảo sát về tật khúc xạ trong học sinh ở nước ta trong thời gian gần đây cho các con số đáng giật mình. Tại các thành phố lớn như TpHCM, tỷ lệ này là 30-60% tuỳ khu vực. Khu vực trung tâm của các đô thị, các trường chuyên, lớp chọn, là những nơi có tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ đặc biệt cao. Thậm chí có lớp học mà 100% học sinh phải mang kính vì bị tật khúc xạ. Tính chung cả nước, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ vào khoảng 25-30%, tức là cứ 3-4 em học sinh thì có một em bị tật khúc xạ. Hơn nữa, rất nhiều học sinh có tật khúc xạ nhưng không được phát hiện kịp thời, và ngay cả học sinh đã mang kính cũng có nhiều em đã tăng độ nhưng không thay kính kịp thời nên thị lực cũng không đạt mức yêu cầu cần thiết cho việc học tập.


Vì đâu nên nỗi
Hiện nay, giới chuyên gia xác định được là có hai yếu tố nguy cơ chính làm cho trẻ em bị tật khúc xạ, đó là yếu tố di truyền (nguồn gen) và sử dụng mắt quá mức.
Yếu tố di truyền: Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy Châu Á là nơi có nhiều người bị tật khúc xạ, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, và Việt Nam. Cư dân khu vực này có mang những gen khiến cho họ dễ bị tật khúc xạ, nhất là khi có tác động của các yếu tố khác.
Chỉ định
Những vùng có tỷ lệ tật khúc xạ cao trên thế giới (nguồn: Tổ chức Y tế thế giới).
Yếu tố thứ hai là việc sử dụng mắt quá mức cho hoạt động nhìn gần. Chúng ta đã nghe có nhiều phản ảnh rằng con em chúng ta ngày nay phải theo một chương trình học khá nặng, và còn phải học thêm nhiều môn. Thời gian ít ỏi còn lại đáng lẽ dành cho mắt nghỉ ngơi thì lại sa đà vào game, máy tính, và các hình thức giải trí khác đòi hỏi mắt phải căng ra làm việc. Hậu quả là mắt lúc nào cũng phải điều tiết quá mức nên làm tật khúc xạ xảy ra.
Sự tương tác của hai yếu tố nguy cơ này chính là thủ phạm của tình trạng gia tăng tật khúc xạ ở con em chúng ta ngày nay.

Chương trình mắt học đường
Từ năm 2004, nội dung chăm sóc mắt đã được đưa vào Chương trình Y tế trường học tại TpHCM và sau đó lần lượt được triển khai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Ngoài việc tập trung vào hướng dẫn các biện pháp chăm sóc mắt cho học sinh, trọng tâm của chương trình là phát hiện học sinh có thị lực kém và thông báo cho gia đình đưa con em đi khám mắt và đo kính. Hàng năm, tất cả các trường từ mẫu giáo đến cấp III tại TpHCM đều tổ chức khám sức khoẻ và đo thị lực cho toàn bộ học sinh, cũng như hướng dẫn để học sinh tự kiểm tra thị lực. Hy vọng với những biện pháp quyết liệt này, chúng ta có thể bảo đảm con em chúng ta có được thị lực tốt phục vụ cho việc học tật để sau này phụng sự đất nước.

Làm sao để phòng ngừa tật khúc xạ
Để giảm nguy cơ tật khúc xạ, cần phải làm sao để tránh tình trạng mắt phải điều tiết quá mức, tức là giảm thời gian và cường độ làm việc của mắt. Chỉ có thể thực hiện tốt việc này nếu có được sự quyết tâm và phối hợp của gia đình, nhà trường và các ban ngành đoàn thể.
Có nhiều cách giúp giảm căng thẳng cho mắt: tăng cường chiếu sáng trong lớp học, giảm tải chương trình học, tránh việc học thêm, hạn chế hình thức giải trí bằng xem truyền hình hay chơi game, tăng cường các hoạt động ngoài trời, ăn các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E… Ngoài ra còn có Cao Vaccinium Myrtillus được chiết xuất từ quả Việt Quất đen mọc hoang dại ở vùng rừng núi Châu Âu và miền Bắc nước Mỹ cũng được chứng minh là rất tốt cho mắt.



Theo Dân Trí
http://dantri.com.vn/tu-van/giam-tat-khuc-xa-o-hoc-sinh-can-su-chung-tay-cua-ca-xa-hoi-721012.htm

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

GIÚP ĐÔI MẮT KHỎE


Hiện nay, tỷ lệ suy giảm thị lực và mắc các bệnh về mắt đang có chiều hướng tăng trong giới trẻ. Tiếp Thị & Gia Đình đã phỏng vấn bác sỹ Phí Duy Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP. HCM) để giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây suy giảm thị lực và lưu ý giải pháp chăm sóc tốt đôi mắt.

TT&GĐ: Bác sỹ đánh giá như thế nào về tình trạng suy giảm thị lực trong giới trẻ Việt Nam?
BS. DUY TIẾN: Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Theo các khảo sát về tật khúc xạ ở học sinh Việt Nam, tại các thành phố lớn như TP. HCM, tỷ lệ này là 30–60% và trên toàn quốc là khoảng 25–30%. Ngoài ra, hội chứng khô mắt cũng đang lan rộng, có tới 17% dân số thế giới mắc bệnh này.

TT&GĐ: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh này?
BS. DUY TIẾN: Có hai yếu tố chính gây ra tật khúc xạ, đó là yếu tố di truyền và sử dụng mắt quá mức. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cư dân châu Á có mang gien khiến họ dễ bị tật khúc xạ. Ngoài ra, trẻ còn phải theo một chương trình học khá nặng và chơi game máy vi tính, xem ti-vi quá độ.
Còn đối với những người làm việc văn phòng, do thường ngồi trước máy vi tính và tập trung cao độ nên rất ít khi chớp mắt. Bên cạnh đó, việc ngồi thường xuyên trong phòng máy lạnh, độ ẩm thấp khiến cho nước mắt bị bay hơi nhanh, dẫn đến khô mắt, đỏ mắt. Nếu để lâu không chữa trị, bạn sẽ bị viêm, tổn thương giác mạc, viêm loét, thậm chí mất thị lực.

TT&GĐ: Có giải pháp nào để phòng suy giảm thị lực, chăm sóc tốt cho đôi mắt?
BS. DUY TIẾN: Chăm sóc mắt là phải chăm sóc toàn diện, từ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đến điều trị triệt để những bệnh mắc phải.
Để hạn chế nguy cơ mắc tật khúc xạ, trẻ cần giảm thời gian và cường độ làm việc của mắt, tăng cường chiếu sáng nơi học tập, gia tăng các hoạt động ngoài trời, ăn thực phẩm giàu vitamin A, E.
Để tránh khô mắt, trong thời gian làm việc, bạn nên thường xuyên chớp mắt và nhắm mắt nhằm điều tiết việc tiết nước mắt, làm ẩm bề mặt nhãn cầu. Cứ mỗi nửa giờ, bạn cần nhắm hai mắt của mình trong vòng vài mươi giây là ổn. Khi đã bị khô mắt, bạn đến khám ở các cơ sở y tế có uy tín để được điều trị đúng cách và hiệu quả.

TT&GĐ: Nói đến dinh dưỡng cho mắt, người ta thường đề cập đến cao việt quất. Bác sỹ có thể giải thích rõ hơn về giá trị của chúng đối với mắt?
BS. DUY TIẾN: Những chất như vitamin A, E có trong rau củ, đặc biệt là cao việt quất được chiết xuất từ quả việt quất đen rất tốt cho đôi mắt. Song, chỉ có cây việt quất mọc hoang ở vùng rừng, núi châu Âu và Bắc Mỹ mới có loại cao này.
Gần đây, một số nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng cho thấy Cao Việt Quất kết hợp với vitamin E có tác dụng ngăn chặn hình thành đục thủy tinh thể, ngăn ngừa bệnh võng mạc do đái tháo đường, ổn định collagen, chất thủy dịch được lưu thông vào ra nhãn cầu liên tục, duy trì áp lực nội nhãn, giúp mắt điều tiết tốt, giảm nhức mỏi mắt, cải thiện thị lực.

TT&GĐ: Cảm ơn bác sỹ.

K.H

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

CÁC TẬT KHÚC XẠ CỦA MẮT


Chức năng của mắt là giúp cho chúng ta nhìn rõ được những vật ở xung quanh. Mắt bình thường (hay còn gọi là mắt chính thị, mắt không có tật khúc xạ) là mắt có hình ảnh của vật hội tụ đúng trên võng mạc và chỉ khi đó thì vật mới được nhìn rõ. Khi mắt không có khả năng hội tụ một cách chính xác những tia sáng đi từ ngoài vào mắt đúng trên võng mạc thì gọi là mắt có tật khúc xạ.

Các loại tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em là: cận thị, viễn thị, loạn thị và chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt (lệch khúc xạ). Ở người lớn tuổi (ngoài 40 tuổi trở ra) khi khả năng điều tiết của mắt suy giảm thì mắt còn bị lão thị.

Cận thị
Mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn, khi đó hình ảnh của vật sẽ hội tụ ở phía trước của võng mạc. Người bị cận thị nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng. Cận thị có thể là bẩm sinh (thường là cận thị nặng) hay mắc phải do quá trình phát triển (thường xuất hiện lúc trẻ 7-10 tuổi). Cả hai dạng cận thị đều có xu hướng tăng dần nên cần thiết phải kiểm tra khúc xạ thường xuyên định kỳ (từ 6-12 tháng/lần tuỳ theo sự tiến triển của cận thị) để thay đổi số kính đeo thích hợp. Điều chỉnh mắt cận thị là đeo kính phân kỳ (thường được kí hiệu là dấu trừ ở trước số kính đeo) để giúp cho ảnh của vật hội tụ đúng vào võng mạc và khi đó vật sẽ được nhìn rõ.

Hình ảnh mắt cận thị
Viễn thị:
Mắt viễn thị ngược lại với mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường và khi đó hình ảnh của vật nằm ở phía sau của võng mạc. Người bị viễn thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần tuy nhiên nếu bị viễn thị nặng thì người bệnh nhìn mờ cả khi nhìn xa và khi nhìn gần. Phần lớn ở trẻ nhỏ trong những năm đầu là viễn thị và không cần phải đeo kính do khả năng điều tiết của mắt (viễn thị sinh lí). Tuy nhiên khi mức độ viễn thị vượt quá khả năng điều tiết của mắt thì có thể gây ra nhìn mờ, gây lác mắt hoặc các triệu chứng cơ năng khác như: khó chịu, nhức đầu, hay phải nheo mắt để nhìn... Cần lưu ý là mắt viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Điều chỉnh viễn thị bằng đeo kính hội tụ (thường được kí hiệu bằng dấu cộng ở trước số kính đeo) để kéo ảnh của vật về đúng trên võng mạc và khi đóngười bệnh nhìn rõ.

Hình ảnh mắt viễn thị
Loạn thị:
Mắt loạn thị là mắt có các kinh tuyến khúc xạ không đều nhau. Vật nhìn không in hình rõ nét trên võng mạc và người bệnh nhìn mờ cả xa và gần. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ khi nhìn lên bảng hay hay đọc nhầm chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, chữ I đọc thành chữ T … Loạn thị có thể là đơn thuần hoặc phối hợp với cận thị (loạn thị cận), viễn thị (loạn thị viễn) hay cả loạn thị cận và viễn (loạn thị hỗn hợp). Điều chỉnh mắt loạn thị bằng cách đeo kính trụ.
 
Hình ảnh mắt loạn thị
Lệch khúc xạ:
Lệch khúc xạ là hiện tượng có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt có thể là một mắt cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận thị loạn hoặc là viễn thị loạn. Điều đó có thể gây ra nhược thị do thị lực ở mắt có tật khúc xạ lớn hơn phát triển không bình thường. Trong điều trị ngoài việc kính đeo ra thì đôi khi bịt mắt là cần thiết để đảm bảo cho cả hai mắt cùng nhìn rõ.

Lão thị:
Thông thường chúng ta có thể nhìn rõ cả khi nhìn xa và nhìn gần được là nhờ có chức năng điều tiết của mắt. Điều tiết là cơ chế để mắt thay đổi công suất khúc xạ bằng cách thay đổi hình dạng thể thuỷ tinh để giúp cho hình ảnh của vật luôn nằm đúng trên võng mạc. Khi tuổi càng cao thể thuỷ tinh mất dần độ đàn hồi do đó khả năng điều tiết giảm dần nên bệnh nhân không nhìn rõ khi nhìn gần và phải đưa ra xa mắt để đọc hay nhìn cho rõ. Khi đó người bệnh bị lão thị và cần đeo kính hội tụ (kính cộng) để giúp cho nhìn gần được rõ nét.

Nhìn chung mắt có tật khúc xạ thường là mắt có thị lực kém và ở trẻ em thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu nhức mắt… Trong lớp học trẻ nhìn không rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và gửi đi khám bác sĩ mắt để có phương hướng điều trị thích hợp. Trẻ có tật khúc xạ cần phải đeo kính thường xuyên để giúp cho trẻ nhìn rõ và tạo điều kiện cho sự phát triển hoàn thiện chức năng thị giác của mắt. Cũng cần phải nhớ rằng do trẻ còn đang phát triển, khúc xạ ở mắt của trẻ còn thay đổi nên cần phải đưa trẻ đi khám thường xuyên theo định kỳ và thay đổi số kính đeo cho phù hợp với tình trạng khúc xạ của mắt trẻ. Ngoài ra trẻ cũng phải tuân thủ đầy đủ chế độ vệ sinh học đường như tư thế ngồi học, bàn ghế bảng đen, ánh sáng phòng học, chế độ giải lao vui chơi giải trí và dinh dưỡng hợp lí để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Mắt TP.HCM năm 2005, tỉ lệ tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị...) của học sinh tại TP.HCM là 42,7%, trong đó tật cận thị chiếm 41,2%.

Trong khi đó, năm 2005 Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM khám mắt cho 5.000 học sinh cấp II thì phát hiện 52% trong số này bị tật khúc xạ mắt, có trường tỉ lệ này chiếm đến 74%. Một con số thống kê khác cho thấy, tỉ lệ cận thị học đường nói chung hiện nay chiếm tới 20% số học sinh, sinh viên.

Theo các nhà chuyên môn, trong 100 trường hợp cận thị thì chỉ khoảng 30%-35% cận thị bệnh lý do di truyền (chỉ yếu tố gia đình), còn 65%-70% cận thị là  do mắc phải.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vấn đề vẫn chưa được sự quan tâm của người dân. Hiện cứ 1/3 dân số thế giới (hơn 2 tỷ người) bị tật khúc xạ, đa phần là cận thị. Khoảng 37 triệu người mù và 124 triệu người thị lực thấp có nguy cơ dẫn đến mù.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)