Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013
Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013
SUY GIẢM THỊ LỰC – NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
(Bác sỹ Phí Duy Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện mắt TP.HCM)
Hiện nay tỷ lệ người dân bị suy giảm
thị lực và mắc các bệnh về mắt đang có chiều hướng tăng rõ rệt trong giới trẻ học
đường và giới công chức văn phòng. Trong bài viết này, bác sỹ Phí Duy Tiến (Phó
Giám đốc Bệnh viện mắt TP.HCM) sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây
suy giảm thị lực, đồng thời tư vấn một số giải pháp để phòng ngừa và chăm sóc
đôi mắt…
1. Thưa bác sỹ, tình trạng
suy giảm thị lực đang có chiều hướng tăng mạnh trong giới trẻ. Bác sỹ đánh giá
như thế nào về vấn đề này ạ?
Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Các khảo sát về tật khúc xạ trong học
sinh ở nước ta trong thời gian gần đây cho các con số đáng giật mình. Tại các
thành phố lớn như TP.HCM, tỷ lệ này là 30-60% tùy khu vực. Khu vực trung tâm của
các đô thị, các trường chuyên, lớp chọn, là những nơi có tỷ lệ học sinh bị tật
khúc xạ đặc biệt cao. Tính chung cả nước, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ vào khoảng
25-30%, tức là cứ 3-4 em học sinh thì có một em bị tật khúc xạ. Đó là chưa kể đến
hội chứng khô mắt đang lan rộng ra toàn cầu, rất đáng báo động khi có tới 17%
dân số thế giới mắc phải chứng bệnh này. Bệnh thường chủ yếu tập trung vào nhóm
những người làm việc trong văn phòng và tiếp xúc với màn hình máy vi tính trong
thời gian dài, và giới công sở văn phòng ở nước ta cũng không phải là ngoại lệ.
2. Vậy đâu là nguyên
nhân dẫn đến những căn bệnh và hội chứng về mắt này, thưa bác sỹ?
Đối với trẻ em, hiện giới chuyên gia xác định có hai yếu tố nguy cơ chính
làm cho trẻ em bị tật khúc xạ, đó là yếu tố di truyền (nguồn gen) và sử dụng mắt
quá mức. Về di truyền, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy Châu Á
là nơi có nhiều người bị tật khúc xạ, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh,
Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, và Việt Nam. Cư dân khu vực này có mang những
gen khiến cho họ dễ bị tật khúc xạ, nhất là khi có tác động của các yếu tố
khác. Yếu tố thứ hai là việc sử dụng mắt quá mức cho hoạt động nhìn gần. Con em
chúng ta ngày nay phải theo một chương trình học khá nặng, và còn phải học thêm
nhiều môn. Thời gian ít ỏi còn lại đáng lẽ dành cho mắt nghỉ ngơi thì lại sa đà
vào game, máy tính, và các hình thức giải trí khác đòi hỏi mắt phải căng ra làm
việc. Hậu quả là mắt lúc nào cũng phải điều tiết quá mức nên gây ra tật khúc xạ.
Sự tương tác của hai yếu tố nguy cơ này chính là thủ phạm của tình trạng gia
tăng tật khúc xạ ở con em chúng ta ngày nay.
Còn đối với những người làm văn phòng, do thường ngồi trước máy vi tính lại
làm việc tập trung cao độ nên hay quên và rất ít chớp mắt. Bên cạnh đó, việc ngồi
thường xuyên trong phòng có máy lạnh, độ ẩm thấp khiến cho nước mắt bị bay hơi
nhanh, dẫn đến khô mắt, mờ mắt, đỏ mắt. Rất nhiều người thường bỏ qua các dấu
hiệu triệu chứng của khô mắt, hoặc do sự
thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của căn bệnh này nên coi thường nó. Hậu quả của
chứng khô mắt nếu để lâu không được chữa trị sẽ rất nguy hiểm, vì khi chứng khô
mắt phát triển thành viêm nó sẽ kéo theo nhiều tổn thương cho giác mạc, dẫn đến
nhiễm trùng và viêm loét. Nếu vết viêm loét quá nặng thì sẽ mất thị lực hoàn
toàn.
3. Chúng ta có những giải
pháp nào để phòng ngừa suy giảm thị lực cũng như chăm sóc tốt cho đôi mắt của
mình không, thưa bác sỹ?
Chăm sóc mắt là phải chăm sóc toàn diện, từ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi
đến điều trị triệt để những bệnh mắc phải. Để giảm nguy cơ tật khúc xạ, cần phải
làm sao để tránh tình trạng mắt phải điều tiết quá mức, tức là giảm thời gian
và cường độ làm việc của mắt. Có nhiều cách giúp giảm căng thẳng cho mắt như
tăng cường chiếu sáng trong lớp học, giảm tải chương trình học, tránh việc học
thêm, hạn chế hình thức giải trí bằng xem truyền hình hay chơi game, tăng cường
các hoạt động ngoài trời, ăn các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E.
Còn để tránh khô mắt, ta nên thường xuyên chớp mắt và nhắm mắt nghỉ khoảng
1-2 giây khi phải làm việc bằng mắt, nhằm điều tiết sự tiết nước mắt của tuyến
lệ, giảm quá trình bốc hơi nước mắt và giúp làm ẩm bề mặt nhãn cầu tốt hơn.
Tránh ngồi ngay luồng gió bay ra của máy điều hòa và quạt gió. Trong khoảng thời
gian làm việc, cứ mỗi nửa giờ nên dùng tay thực hiện các động tác massage nhẹ
cho mắt, hoặc thực hiện động tác xoay liếc mắt theo chiều kim đồng hồ và ngược
lại trong khoảng 10-15 giây, hay chỉ cần che 2 mắt của mình trong vòng vài mươi
giây là ổn.
Bên cạnh đó, nên có chế độ ăn uống dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây
tươi, thịt cá đầy đủ để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho mắt và nên uống nhiều nước.
Khi đã bị khô mắt, các bạn nên đến khám và điều trị ở các cơ sở y tế có uy tín
để được điều trị đúng cách và hiệu quả.
4. Nói đến dinh dưỡng
cho mắt, người ta thường đề cập đến Cao Việt Quất. Xin bác sỹ giải thích rõ hơn
về giá trị của Cao Việt Quất đối với đôi mắt ạ?
Thật ra, cái tốt cho đôi mắt chúng ta là những chất như vitamin A, E có
trong rau củ mà chúng ta ăn thường ngày, ngoài ra còn có Cao Vaccinium
Myrtillus chứa Anthocyanosides được chiết xuất từ cây Việt Quất. Tuy nhiên, chỉ
có loại cây Việt Quất mọc hoang dại ở vùng rừng, núi Châu Âu và miền Bắc nước Mỹ
mới có loại cao này mà thôi. Gần đây, một số nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm
sàng cho thấy, Cao Vaccinium Myrtillus (Cao Việt Quất) kết hợp với vitamin E có
tác dụng ngăn chặn hình thành đục thủy tinh thể, có hiệu quả ngăn ngừa cao
trong bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, có tác dụng ổn định collagen, chất thủy
dịch được lưu thông vào ra nhãn cầu liên tục duy trì áp lực nội nhãn, giúp mắt
điều tiết tốt, giảm nhức mỏi mắt, cải thiện thị lực.
Xin cảm ơn bác sỹ.
Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013
Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013
Hạn chế cận thị ở trẻ bằng hoạt động ngoài trời
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, những trẻ em thích hoạt động ngoài trời ít có nguy cơ bị mắc chứng cận thị.
Những em thích các hoạt động ngoài trời ít có nguy cơ bị cận thị
Nghiên cứu này được thực hiện với
hai nhóm trẻ, đều dành trung bình hơn 2,8 giờ/ngày cho các hoạt động
ngoài trời, gồm hơn 1.700 trẻ 6 tuổi và hơn 2.300 trẻ 12 tuổi. Trong hai
nhóm trẻ này chỉ có 1,5% trẻ em 6 tuổi bị cận thị trong khi tỷ lệ này ở
những trẻ em 12 tuổi là 12,8%.
Riêng đối với những trẻ 12 tuổi,
những em thích các hoạt động ngoài trời ít có nguy cơ bị cận thị so với
những trẻ mà phần lớn thời gian chỉ ở trong nhà.
Nguy cơ này ở những trẻ chơi bên
ngoài nhà dưới 1,6 giờ/ngày và tham gia các hoạt động đòi hỏi phải nhìn
gần hơn 3,1 giờ/ngày tăng từ gấp đôi đến gấp 3 lần, so với những trẻ em
dành phần lớn thời gian cho các hoạt động ngoài trời và dành ít thời
gian nhất cho những hoạt động đòi hỏi phải nhìn gần như đọc sách hoặc
học bài.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng
khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ phải đảm bảo rằng con em mình có đội mũ
và đeo kính râm khi ở ngoài trời nắng.
(Sưu tầm)
SỐ LIỆU ĐÁNG BÁO ĐỘNG VỀ CẬN THỊ TRONG TRƯỜNG HỌC
Theo kết quả điều tra của bệnh viện mắt TP Hồ Chí Minh công bố đầu năm
2004 thì tật cận thị học đường đã gia tăng rất mạnh trong học sinh thành phố.
Cụ thể là số học sinh bị cận thị ở Trường THCS Colette năm 1998 chiếm tỷ lệ
38%, đến năm 2003 là 66,31%; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 1998 là 42,7%
thì 5 năm sau lên đến 74,33%.
Tỷ lệ cận thị chung của học sinh toàn TP.HCM ở
cấp tiểu học là 9,03%, THCS là 19,17% và THPT là 24,9%; cũng có sự khác biệt
giữa học sinh bị tật cận thị ở nội thành (69,89%) và ngoại thành (33%), giữa
học sinh trường chuyên (79,95%) và trường không chuyên (47,93%).
Theo số liệu thống
kê của ngành giáo dục, cả nước có 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị.
Tại Hà Nội, qua khảo sát ở 6 trường thuộc Q.Hoàn Kiếm và H.Sóc Sơn, tỷ lệ học
sinh bị cận thị chiếm tới 21,8%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ cận thị
ở học sinh tăng lên đến mức báo động: nếu năm 1964 tỷ lệ cận thị của học sinh
cấp tiểu học là 2,1%, học sinh cấp THPT là 9,6% thì đến năm 2004 tỷ lệ này là
11,3% và 29,8%.
Đáng nói hơn là những nơi học sinh càng có điều kiện học tập,
sinh hoạt tốt thì tỷ lệ bị cận thị càng cao hơn: nội thành có tới 29,9% học
sinh cận thị, con số này ở ngoại thành là 13,6%. Như vậy tỷ lệ cận thị của HS
nội thành cao gấp 1,8 lần học sinh ngoại thành. Học sinh mắc bệnh cũng tỷ lệ
thuận với cấp học: học càng lên cao thì số học sinh cận thị càng tăng. Tỷ lệ
học sinh THPT bị cận thị cao gấp 1,3 lần học sinh cấp THCS, tỷ lệ học sinh cấp
THCS bị cận thị cao gấp 2 lần học sinh tiểu học.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)