Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY SUY GIẢM THỊ LỰC





Đôi mắt từ lâu đã được ví như “cửa sổ” của tâm hồn, điều đó khẳng định vai trò quan trọng của đôi mắt đối với mỗi chúng ta. Phần lớn lượng thông tin mà mỗi chúng ta nắm bắt được cũng thông qua đôi mắt. Vì vậy, tự trang bị cho mình những hiểu biết về mắt, đặc biệt là các nguyên nhân gây suy giảm thị lực là điều hết sức cần thiết bên cạnh việc chăm sóc mắt thường xuyên và đúng cách.

Chăm sóc mắt ngay từ những ngày đầu đời
Việc chăm sóc đôi mắt không phải chờ đến tuổi lão hóa mà cần được quan tâm ngay từ những ngày đầu đời. Có những thói quen cũng như một số công việc hàng ngày tưởng chừng như không liên quan đến đôi mắt, nhưng nếu chúng ta không để ý thì vô tình chính chúng ta đã góp phần làm đôi mắt của mình bị giảm thị lực, khó có thể hồi phục lại như ban đầu. Những thay đổi này thường diễn biến rất chậm, khiến ta khó nhận biết trong một thời gian dài, và nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nếu như chúng ta thiếu hiểu biết về chăm sóc mắt. Cho nên, việc tuân thủ một số nguyên tắc trong làm việc và sinh hoạt sẽ giúp chúng ta giữ gìn được đôi mắt.

Nguyên nhân gây suy giảm thị lực
Có thể kể tới một số thói quen thường ngày hiện nay có thể ảnh hưởng không tốt tới thị lực của chúng ta. Việc sử dụng thường xuyên những tiện nghi hiện đại như: máy tính, iPad, điện thoại thông minh, Tivi, … cho đến các thói quen ăn uống, học hành, làm việc và vui chơi rất dễ dẫn đến nguy cơ bị khô mắt kéo dài, khiến mắt thường xuyên mệt mỏi. Học sinh - sinh viên và giới nhân viên văn phòng là nhóm dễ gặp các vấn đề về mắt nhất từ nguyên nhân này, phổ biến nhất là bệnh cận thị và hiện tượng khô mỏi mắt. Để giảm bớt những tác hại từ các nguyên nhân trên đây, nên cho mắt nghỉ ngơi 10-15 phút sau mỗi 2 giờ làm việc hay vui chơi với các thiết bị kể trên.

Tương tự như vậy, thói quen đọc sách hoặc nghiên cứu tài liệu, hồ sơ giấy tờ với điều kiện không tốt như: tư thế ngồi đọc sai, thiếu ánh sáng, chữ in quá nhỏ hoặc không rõ ràng cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc gia tăng bệnh cận thị ở giới trẻ học đường và các nhân viên văn phòng hiện nay.

Bên cạnh đó, thói quen ăn uống thiếu chất, môi trường sống ô nhiễm, thiếu ánh sáng, thiếu rèn luyện thể lực đều ảnh hưởng tới quá trình phát triển và thoái triển của đôi mắt. Sự bất cẩn trong bảo hộ lao động và vui chơi thể thao cũng dễ dẫn đến những chấn thương mắt đáng tiếc. Thậm chí việc chăm sóc và vệ sinh mắt tích cực không đúng cách cũng gây tổn hại cho mắt. Các trường hợp bị tổn thương mắt khó hồi phục do người bệnh tự ý sử dụng sai thuốc nhỏ mắt không phải là hiếm gặp, các bác sỹ nhãn khoa vẫn thường cảnh  báo về vấn đề này.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác cũng góp phần quan trọng làm tăng nguy cơ giảm thị lực của mắt như: yếu tố di truyền, các bệnh lý toàn thân thường gặp, đặc biệt là bệnh tiểu đường, cao huyết áp… Những người bệnh thuộc nhóm này phải làm quen với sự tái khám và theo dõi định kỳ bởi bác sỹ chuyên khoa mắt.
                                                                                                 Đ.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét